Công tác bảo vệ môi trường ngày càng được quan tâm
(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Về vấn đề bảo vệ môi trường, dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội XIII đã có những đánh giá khá thẳng thắn: “Lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường chưa có nhiều đột phá, hiệu quả chưa cao”, “ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp”, “vai trò, trách nhiệm các cấp, các ngành, cộng đồng và doanh nghiệp chưa được phát huy đầy đủ”, “vẫn để xảy ra một số sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng”, “các chế tài để ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe và thiếu hiệu quả”, “quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên một số mặt còn lỏng lẻo, bất cập”...
Dự báo về tình hình môi trường, dự thảo Báo cáo chính trị nêu: trên thế giới, “những vấn đề toàn cầu như bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường... tiếp tục diễn biến phức tạp”. Trong nước, “tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh; biến đổi khí hậu gay gắt, phức tạp... ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước”…
Trên thực tế, tình hình môi trường thời gian gần đây diễn biến ngày càng phức tạp. Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khó lường với các hiện tượng như mưa nhiều nhưng hạn hán cũng gay gắt, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi với cường độ cao, nước biển dâng khiến nhiều vùng trũng thấp thường xuyên bị ngập… Hay vấn đề ô nhiễm môi trường cũng ngày càng nghiêm trọng, trong đó nguồn nước ở nhiều nơi bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, do sự xâm nhập mặn và giảm lượng trao đổi nước từ đầu nguồn các sông lớn… Đặc biệt, ô nhiễm không khí cũng rất trầm trọng, nhất là ở các đô thị lớn, trong đó bao gồm cả hoạt động sản xuất công nghiệp và khí thải từ phương tiện giao thông… Những điều đó ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng sống của người dân.
Trong phần “Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030” trong dự thảo Báo cáo chính trị, Đảng ta nhiều lần đề cập vấn đề môi trường, như “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường...”, “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”; tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn, trong đó gồm cả “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”; “phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”…
Tại TPHCM, vấn đề môi trường cũng được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm. Qua hơn 2 năm triển khai Chỉ thị 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, nhiều kết quả tích cực được ghi nhận: trên 98% phường, xã, thị trấn được công nhận đạt tiêu chí “sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch”; nhiều “điểm đen” về rác thải đã được khắc phục; ý thức của đại bộ phận người dân về bảo vệ môi trường được nâng lên… Bên cạnh đó, việc điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã khuyến khích các cơ sở sản xuất tiết kiệm hơn việc sử dụng nước sạch, tái sử dụng nước nhằm giảm lượng nước thải ra môi trường…
Tuy nhiên, trên thực tế, các vấn đề tồn tại của công tác môi trường vẫn còn không ít. Do đó, thành phố đã có định hướng tập trung phát triển xây dựng theo hướng đô thị xanh, văn minh; nâng cao năng lực thiết kế, thi công xây lắp với kỹ thuật cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, vật liệu mới, tiết kiệm năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu, thân thiện môi trường; tăng cường việc thanh tra, kiểm tra thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; giải quyết hiệu quả các vấn đề cấp bách đặt ra: giảm ùn tắc giao thông, chống ngập, giảm ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải, chất thải rắn, cung cấp và vận động 100% người dân thành phố sử dụng nước sạch, phát triển cây xanh... Thành phố đã có kế hoạch cụ thể hóa các chủ trương về môi trường bằng Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 – 2030, là 1 trong 13 nội dung chương trình cụ thể của chương trình đột phá phát triển hạ tầng thành phố.
Để tiếp tục cải thiện vấn đề môi trường, trong thời gian tới cả hệ thống chính trị, đặc biệt là tại TPHCM, cần phải thực sự xem trọng công tác bảo vệ môi trường từ trong nhận thức cho đến hành động. Trong đó, cần tổ chức thực hiện nghiêm các quy định, các chỉ đạo về công tác môi trường; có nhiều quy định khuyến khích các tổ chức và cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường; thực hiện nhiều giải pháp phù hợp về tuyên truyền nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường cho người dân; gắn việc giáo dục, động viên với chế tài, xử lý vi phạm; cán bộ, đảng viên gương mẫu trong việc bảo vệ môi trường…
Suy cho cùng, cả hệ thống chính trị phải tác động để người dân nhận thức được việc bảo vệ môi trường là công việc của tất cả mọi người nhằm mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân. Bởi khi các tổ chức đảng, chính quyền có nhiều giải pháp hay mà không “chuyển” điều đó đến với người dân thì kết quả cũng khó đạt được như mong muốn. Đặc biệt tại TPHCM, nơi có mật độ dân cư đông, tập trung nhiều hoạt động sản xuất công nghiệp, vấn đề bảo vệ môi trường càng trở nên cấp bách và càng phải được người dân đồng lòng thực hiện một cách tích cực và rộng rãi!
Vân Tâm
Đăng nhận xét