Đầu Xuân Tân Tỵ - thời khắc thiêng liêng Bác Hồ trở về Tổ quốc
(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Suốt 30 năm từ 1911 đến 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xa quê hương, bôn ba ở nhiều nước trên thế giới. Bằng tấm lòng yêu nước nồng nàn và nghị lực phi thường, Người hiến dâng trọn thời trai trẻ cho sự nghiệp cứu nước khỏi vòng nô lệ lầm than. Quá trình đó, Người đã tìm thấy ở cuộc Cách mạng tháng Mười Nga ánh sáng chân lý của thời đại “như mặt trời chói lọi”, ở bản Sơ thảo Những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lenin cái “cần thiết cho chúng ta, con đường giải phóng chúng ta!”.
Làm cách mạng phải có đảng cách mạng, có hạt nhân lãnh đạo, có lực lượng quần chúng giác ngộ. Bởi vậy, trên đường trở về phương Đông từ cuối năm 1924, Người phải dừng chân ở Quảng Châu và một số địa phương khác của Trung Quốc để thực hiện những điều cần thiết: tập hợp các thanh niên yêu nước vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra tờ báo Thanh niên, mở các lớp huấn luyện chính trị, phác thảo đường lối cứu nước, triệu tập hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam…
Tháng 9/1939, Thế chiến II bùng nổ, các nước Đông Âu và Tây Âu lần lượt bị phát xít Đức xâm lược và đặt ách thống trị. Đặc biệt, ngày 15/6/1940, Chính phủ Pháp đã bỏ ngõ thủ đô Paris khi phát xít Đức tấn công đến, sau đó nhanh chóng đầu hàng vô điều kiện.
Trước tình hình thế giới chuyển biến mau lẹ, Người triệu tập các đồng chí về họp tại Côn Minh. Người nói: “Đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.
Có đồng chí băn khoăn vì không có vũ khí để cướp chính quyền, Người giải thích: “Khởi nghĩa thì phải có vũ khí, đó là một trong những vấn đề quan trọng của cách mạng nhưng bây giờ có vũ khí thì lấy ai mà vác vũ khí? Cho nên cứ tìm cách về nước đã, sau đó chúng ta sẽ vận động quần chúng, khi quần chúng đã giác ngộ cao thì ta sẽ có vũ khí.
Thoạt đầu, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc định về nước theo tuyến đường sắt Côn Minh - Lào Cai, nhưng kế hoạch không thực hiện được vì quân đội Trung Hoa đã phá sập cầu Hồ Kiều trên đường này. Người và các đồng chí cùng đi di chuyển về Quế Lâm (Quảng Tây) để tìm đường về nước theo hướng khác.
Lúc này nhiều sự kiện quan trọng diễn ra ở nước ta. Lợi dụng lúc Pháp thua Đức, ngày 22/9/1940, phát xít Nhật từ phía Bắc tiến xuống Lạng Sơn và từ biển đổ bộ vào Đồ Sơn (Hải Phòng). Ngay ngày hôm sau, giới cầm quyền Pháp ở Đông Dương hèn hạ ký hiệp định đầu hàng Nhật, đưa dân ta vào cảnh một cổ đôi tròng.
Chỉ trong vòng 3 tháng, từ tháng 9/1940 đến tháng 1/1941, 3 cuộc khởi nghĩa của nhân dân ở 3 miền Bắc - Nam - Trung liên tiếp nổ ra. Đó là các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (Lạng Sơn), Nam kỳ và Đô Lương (Nghệ An). Tuy cuối cùng bị thất bại nhưng các cuộc khởi nghĩa trên đã thức tỉnh mạnh mẽ tinh thần cách mạng của nhân dân cả nước và để lại nhiều bài học quý báu về khởi nghĩa vũ trang, là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc diễn ra sau này.
Việc trở về nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc càng trở nên cấp thiết. Người đi về phía Tĩnh Tây, dừng chân ở làng Tân Khư và trong những ngày đầu năm 1941, đã gặp đồng chí Hoàng Văn Thụ từ trong nước sang ở đây. Đồng chí Hoàng Văn Thụ báo cáo tình hình mọi mặt và đề nghị với Người nên chọn hướng Cao Bằng để về nước, vì Cao Bằng là tỉnh biên giới có phong trào tốt, đội ngũ cán bộ vững vàng, nhân dân giác ngộ cao, liên lạc quốc tế cũng thuận lợi. Người tán thành đề nghị đó và cử mấy đồng chí về nước trước để tìm địa điểm làm căn cứ. Người nêu hai điều kiện cơ bản là có hàng rào quần chúng bảo vệ và có đường rút lui khi cần thiết.
Vài ngày sau, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được đồng chí Hoàng Sâm dẫn đường, cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp tiến về làng Nậm Quang, sát ngay biên giới Việt - Trung. Tại đây, trong thời gian đợi các đồng chí tiền trạm trở lại, Người mở lớp huấn luyện cho 43 cán bộ cách mạng Việt Nam.
Khoảng giáp Tết Nguyên đán, lớp huấn luyện kết thúc, cũng là lúc hay tin các phần tử Quốc dân Đảng của Trung Quốc rục rịch đi kinh lý vùng này. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẩn trương thu xếp để về nước sớm, khỏi đối mặt với Quốc dân Đảng Trung Quốc.
Sáng mùng 1 Tết Tân Tỵ, Người cùng một số đồng chí đi chúc Tết nhân dân trong vùng, Người mặc bộ quần áo màu chàm dân tộc Nùng, đầu vấn khăn, tay chống gậy, Người tặng mỗi nhà một tờ giấy hồng điều, trên có 4 chữ Hán “Cung chúc tân niên”. Mỗi cháu nhỏ được Người tặng một phong bao, bên trong có một xu đồng.
Sáng sớm hôm sau, tức mùng 2 Tết Tân Tỵ, 28/1/1941, khi trời chưa sáng hẳn, sương mù còn dày đặc, Người đã cho đoàn lặng lẽ lên đường vượt qua biên giới. Kia rồi, cột mốc số 108, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đã hiện ra. Thiêng liêng sao giây phút đầu tiên đặt chân lên mảnh đất địa đầu Tổ quốc, mọi người đều rưng rưng cảm động không nói nên lời. Thời khắc này về sau được Người kể lại trong tác phẩm Vừa đi đường vừa kể chuyện (bút danh T.Lan): “Xa rời Tổ quốc đã ba mươi năm. Đã mất bao nhiêu thời gian và sức lực tìm liên lạc mà không được. Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia biên giới, lòng Bác vô cùng cảm động”.
Từ nay, Người mang tên mới Già Thu, sống trong hang Cốc Bó kín đáo của thôn Pắc Pó, nằm ở lưng chừng một ngọn núi. Khoảng 2 tháng sau, Người lại dời sang Khuổi Nậm. Vật dụng của Người rất đơn sơ: chiếc vali mây đựng tài liệu, cái máy chữ nhỏ, bộ quần áo nhuộm chàm giản dị và chiếc sàn nằm ghép bằng những những cành cây nhỏ, trên trải một tấm phên tre. Sinh hoạt của Người thật quá gian khổ. Khí hậu trong hang ẩm ướt, thường phải đốt lửa sưởi suốt đêm. Bữa ăn hàng ngày chỉ là rau rừng, ốc suối, cháo bẹ, măng mai… Tuy nhiên, lòng Người vẫn luôn thanh thản, lạc quan:
Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Một thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam đang đến. Người bắt tay vào làm biết bao công việc quan trọng như viết tài liệu, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ, chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, sáng lập Mặt trận Dân tộc thống nhất, ra tờ báo Việt Nam Độc lập…
Việc Bác Hồ về nước đã thúc đẩy phong trào cách mạng lên cao, tạo nên những tiền đề quan trọng để tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 thành công!
Đăng nhận xét