tháng 1 2019


TIN HỘI NGHỊ
TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN DỊCH VỤ CÔNG TRONG GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TẠI SỞ TƯ PHÁP VÀ UBND QUẬN 4

          Chiều ngày 24/01/2019, trên cơ sở Kế hoạch liên tịch số 08/KHLT-HPN-PTP ngày 08/10/2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 4 đã phối hợp với Phòng Tư pháp Quận 4 tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân Quận 4 đến hơn 120 đại biểu là Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ 15 phường, Chi hội trưởng, chi hội phó 51 khu phố trên địa bàn Quận 4 và thành viên Tổ tư vấn cộng đồng, thành viên các Câu lạc bộ thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 4 quản lý.
  Hội nghị được tổ chức nhằm tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện các dịch vụ công tại Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân Quận 4 trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Hiện nay, Sở Tư pháp đang cung cấp các dịch vụ đăng ký cấp phiếu Lý lịch tư pháp trực tuyến; dịch vụ đăng ký chuyển phát hồ sơ yêu cầu và trả kết quả Lý lịch Tư pháp qua dịch vụ bưu chính; dịch vụ đăng ký cấp bản sao hộ tịch trực tuyến; đăng ký nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả qua Tổng đài 1080… Ủy ban nhân dân Quận 4 cũng đang cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực Hộ tịch, An toàn thực phẩm, Đăng ký kinh doanh, Giáo dục và đào tạo…

Giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến là một nội dung quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử, không những tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp mà còn giảm áp lực giấy tờ công việc lên các cơ quan hành chính nhà nước, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước và phát huy hiệu quả kinh tế cho cả người sử dụng dịch vụ  và cơ quan cung cấp dịch vụ, do đó có thể tiết kiệm  thời gian, công sức, cắt giảm các chi phí đi lại, chi phí văn phòng phẩm, chi phí nhân công...
Cũng trong dịp này, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Quận 4 đã biên soạn và phát hành tờ gấp hướng dẫn quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với một số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hộ tịch do Ủy ban nhân dân Quận 4 và Ủy ban nhân dân 15 phường tiếp nhận tại địa chỉ http://hotichtructuyen.moj.gov.vn
Theo đó, Ủy ban nhân dân Quận 4 hiện đang cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho các thủ tục sau:
- Đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài (đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký giám hộ).
- Cấp bản sao trích lục hộ tịch (đã đăng ký tại Quận 4 từ năm 1954 đến ngày 30/6/1986, đăng ký quá hạn từ ngày 12/5/1989 đến ngày 30/6/1997, bản sao trích lục hộ tịch có yếu tố nước ngoài đăng ký tại Ủy ban nhân dân Quận 4 từ ngày 01/01/2016 đến nay).
          Tại Ủy ban nhân dân 15 phường là các thủ tục đăng ký hộ tịch trong nước (gồm đăng ký khai sinh, khai tử, giám hộ và cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân) và cấp bản sao trích lục hộ tịch đã đăng ký tại Ủy ban nhân dân phường từ 30/6/1986 đến nay.
Tải về tờ gấp DVCTT hộ tịch: (đính kèm file)


         




TIN HỘI NGHỊ
TRIỂN KHAI LUẬT AN NINH MẠNG NĂM 2018
VÀ LUẬT TIẾP CẬN THÔNG TIN NĂM 2016

          Chiều ngày 10/01/2019, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Quận 4 đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật An ninh mạng năm 2018 và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Đến tham dự Hội nghị có 350 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quận , lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 4 và các đoàn thể; thành viên Hội đồng; lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể 15 phường và lực lượng tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở trên địa bàn quận. Ông Dương Quang Thọ - Nguyên Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh là báo cáo viên Hội nghị. Hội nghị đã tập trung giới thiệu, tìm hiểu mục đích, yêu cầu cũng như những quy định cơ bản, quan trọng của Luật An ninh mạng năm 2018 và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016
Theo đó, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước không thể thiếu sự đóng góp to lớn của việc ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và tận dụng tiềm lực dồi dào của môi trường mạng. Tuy nhiên, song song với những mặt tích cực mà môi trường mạng mang lại luôn tồn tại những hạn chế và tiềm ẩn nguy cơ gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thực tế trong những năm qua cho thấy do pháp luật chưa có cơ chế, biện pháp, hành lang pháp lý thống nhất để điều chỉnh các hoạt động trên môi trường mạng đã phát sinh không ít những trường hợp lợi dụng, khai thác môi trường mạng vào mục đích vi phạm pháp luật, đe dọa đến chủ quyền, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội và xâm hại thông tin cá nhân của người dân.
        Luật An ninh mạng năm 2018 gồm 7 chương và 43 điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc xây dựng và ban hành Luật An ninh mạng đã hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an ninh mạng theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành; góp phần bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng trong thời kỳ mới, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh, ổn định và phát triển.
Bên cạnh đó, quyền được tiếp cận thông tin là quyền con người và là quyền cơ bản của công dân thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Ở nước ta, quyền được thông tin của công dân đã được ghi nhận tại Điều 69 Hiến pháp năm 1992và tiếp tục được khẳng định, nâng tầm từ "quyền được thông tin" thành "quyền tiếp cận thông tin" tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013. Để triển khai thực hiện, trong những năm qua Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có các quy định về thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, các văn bản vẫn còn nhiều bất cập và chưa có sự đồng bộ, thống nhất trong quy định về nguyên tắc thực hiện quyền và hạn chế quyền, thiếu các tiêu chí để xác định thông được được tiếp cận, hạn chế tiếp cận hoặc không được tiếp cận, hình thức, phạm vi, quy trình, thủ tục công khai thông tin…
 Do vậy, việc ban hành Luật Tiếp cận thông tin đã tạo khuôn khổ pháp lý chung để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, tạo điều kiện cho các cơ quan đại diện nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân có đầy đủ thông tin để thực hiện tốt chức năng giám sát nhà nước, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền dân chủ, nhất là dân chủ trực tiếp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Hội nghị được tổ chức nhằm giúp đội ngũ cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn quận nắm rõ quy định của các Luật mới ban hành, đặc biệt là những Luật có phạm vi điều chỉnh liên quan trực tiếp đến bảo vệ, giữ gìn an ninh chính trị của đất nước và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân theo Hiến pháp năm 2013. Từ đó nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật một cách sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật hoặc hiểu sai lệch về ý nghĩa, mục đích ban hành luật; góp phần đưa pháp luật đi vào thực tiễn cuộc sống và phát huy hiệu lực, hiệu quả.




Chiều ngày 09/01/2019, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 4 phối hợp Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo phương án xây dựng Đài phun nước trước quảng trường đường 48.
Đến tham dự Hội nghị có Ông Trần Hữu Nghĩa, Phó Ban Dân chủ Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Ông Cao Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 4 cùng các ông, bà đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân Quận 4, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Quận 4, Lãnh đạo Ban Dân vận Quận ủy Quận 4; Các cá nhân có chuyên môn; các vị Ủy viên UBMTTQVN Quận 4;Lãnh đạo các tổ chức Thành viên UBMTTQ Quận 4; Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình Quận 4; Đại diện BGĐ Cty TNHH Khảo sát Thiết kế Thăng Long; Đại diện BTT MTTQ Việt Nam 15 phường; Trưởng Ban Công tác Mặt trận 15 phường Tờ tin Quận 4.
Tại hội nghị, có 12 ý kiến phát biểu xung quanh các vấn đề xây dựng Đài phun nước. Đa số các ý kiến đồng ý với việc xây dựng Đài phun nước tại vị trí trước quảng trường đường 48 nhằm tạo điểm nhấn ấn tượng về không gian đô thị Quận 4. Nhiều ý kiến khác cho rằng quận cần khảo sát và đánh giá cụ thể những tác động khi xây dựng Đài phun nước trên các mặt như kinh tế, văn hoá xã hội, an ninh trật tự; đề ra phương án giải quyết nếu phát sinh bất cập; nghiên cứu tổ chức phân luồng giao thông tại khu vực; xây dựng phương án quản lý sau khi công trình được xây dựng, vận hành. Một số đại biểu cũng cho rằng việc xây dựng công trình này cần kết hợp với việc xã hội hoá…Kết thúc phần thảo luận, ban tổ chức đã ghi nhận, tổng hợp các ý kiến và sẽ nhanh chóng gửi đến Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình Quận 4 theo quy định.
Theo dự thảo phương án xây dựng, Đài phun nước thuộc loại công trình công cộng cấp II, được xây dựng trước quảng trường công viên Khánh Hội, đường 48, Phường 5, Quận 4 có diện tích xây dựng là 2.492,8m2 với kinh phí dự trù là 7 tỷ đồng; trong đó, khu vực đài phun nước là 246,9m2; hướng Đông giáp đường Khánh Hội, hướng Tây giáp đường 48, hướng Bắc và hướng Nam giáp đường nội bộ. Về ý tưởng thiết kế, Đài phun nước có hình dáng như những cánh hoa đan xen nhau, bên dưới là hệ thống phun nước với nhiều độ cao khác nhau kết hợp với hệ thống chiếu sáng và âm nhạc cùng các mảng cây xanh tạo không gian đô thị vui tươi, sinh động đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân trên địa bàn quận.
Thanh Trần
Chú thích ảnh:
H1: Các đại biểu xem dự thảo phương án xây dựng Đài phun nước

H2, H3: Đại biểu phát biểu ý kiến









Thực hiện Công văn số 2170-CV/BDVTU ngày 18 tháng 04 năm 2019 của Ban Dân vận Thành ủy về hướng dẫn xét tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Dân vận năm 2019, Ban Dân vận Quận ủy đề nghị các đơn vị thực hiện một số yêu cầu sau:
1. Nguyên tắc:
- Kỷ niệm chương chỉ xét tặng một lần cho một cá nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy Quy chế của Ban Dân vận Trung ương.
- Không xét tặng kỷ niệm chương đối với những cá nhân đang bị xem xét kỷ luật hoặc trong thời gian thi hành các hình thức kỷ luật hoặc bị tòa án kết án.
2. Tiêu chuẩn:
Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Dân Vận” chỉ xét các cá nhân có nhiều năm liền hoàn thành tốt nhiệm vụ, có thời gian công tác hoặc giữ chức vụ đủ 10 năm (nếu giữ nhiều chức vụ khác nhau thì được cộng dồn thời gian để xét, tặng Kỷ niệm chương).
3. Đối tượng:
- Trưởng ban, phó trưởng ban, cán bộ, công chức, nhân viên đã và đang công tác tại cơ quan Ban Dân vận Quận ủy.
- Thường trực Khối dân vận phường.
- Các cá nhân có nhiều đóng góp sự nghiệp dân vận của Đảng:  Bí thư, Phó Bí thư Quận ủy; Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy phường; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốcTrưởng, phó các tổ chức chính trị - xã hội quận, phường.
- Trưởng Công an, Phó trưởng Công an quận trực tiếp lãnh đạo công tác dân vận.
4. Về số lượng, thủ tục và thời gian đề nghị:
a. Số lượng: Căn cứ các tiêu chuẩn và chức danh trên, các đơn vị rà soát chọn 01 đồng chí tiêu biểu nhất gửi về Ban Dân vận Quận ủy để xét và đề nghị Ban Dân vận Thành ủy đề xuất Ban Dân vận Trung ương tặng kỷ niệm chươngVì sự nghiệp Dân vận” năm 2019.
Lưu ý:
- Các đơn vị xét ưu tiên trước cho các trường hợp lớn tuổi, sắp về hưu còn tồn đọng qua các năm mà chưa được nhận kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Dân vận”.
- Ngoài ra, để có cơ sở đề xuất Ban Dân vận Thành ủy điều chỉnh số lượng phân bổ vào các năm tiếp theo, Ban Dân vận Quận ủy đề nghị các đơn vị rà soát, lập danh sách các đồng chí đạt yêu cầu về đối tượng, tiêu chuẩn và thành tích, gửi về Ban Dân vận Quận ủy để thống kê, phân bổ hợp lý theo tình hình đơn vị (theo Mẫu số 1-KNC).
b. Thủ tục: Công văn đề nghị, danh sách (theo Mẫu số 1-KNC); bản kê khai quá trình công tác và tóm tắt thành tích (theo Mẫu số 2-KNC).Riêng Mẫu số 2-KNC của từng cá nhân gửi 02 bản (không chữ ký phô tô).
c. Thời gian: Gửi hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Dân vận” về Ban Dân vận Quận ủy Quận 4 trước ngày 01/6/2019 (sau ngày 01/6/2019 những đơn vị nào không gửi, xem như không đề nghị).
5. Sau khi tổng hợp tất cả danh sách do các đơn vị gi về Ban Dân vận tham mưu Thường trực Quận ủy chọn 02 đồng chí tiêu biểu nhất để gi Ban Dân vận Thành ủy đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Dân vậnnăm 2019.

Mẫu đăng ký xét tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Dân vận"

🌻🌻🌻10 HOẠT ĐỘNG TIÊU BIỂU CỦA QUẬN 4 NĂM 2018
🌹🌹🌹Năm 2018 là năm toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quận 4 ra sức thi đua, phát huy các mặt thuận lợi, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành cơ bản Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, Đại hội Đảng bộ Quận 4 lần thứ XI.
💐💐💐Đất Cảng Quận 4 xin giới thiệu 10 hoạt động tiêu biểu về công tác xây dựng Đảng, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng trong năm 2018 của Quận 4.
Với những thành tựu nổi bật trong năm 2018, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quận 4 tiếp tục phát huy trong năm 2019 với quyết tâm đột phá, tạo nên nhiều thành tựu mới, tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng sống của người dân, hoàn thành và vượt các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận đã đề ra, xây dựng Quận 4 ngày càng giàu đẹp – văn minh – hiện đại – nghĩa tình.
(TTVH)

🌺1. Hơn 300 cá nhân được tuyên dương khen thưởng trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị.
🌺2. Hơn 1.200 doanh nghiệp đăng ký mới trong năm 2018.
🌺3. Tiếp tục đưa vào sử dụng 30 lớp học mới với kinh phí gần một trăm tỷ đồng.
🌺4. Nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
🌺5. Hỗ trợ cho 300 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn với số tiền hơn 8 tỷ đồng.
🌺6. Giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
🌺7. Giải quyết gần 2.000 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến.
🌺8. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn Quận 4 đã được triển khai sâu rộng, hiệu quả, nhiều mô hình dân vận khéo được nhân rộng.
🌺9. Lần đầu thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, đa số các chức danh được tín nhiệm cao
🌺10. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội quận nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Điểm nóng xã hội hiểu một cách thông thường là đời sống xã hội trong trạng thái không bình thường, bất ổn định, có biểu hiện rối loạn; diễn ra sự xung đột, chống đối giữa các lực lượng với những hành vi không còn tự kiềm chế được, đã vượt ra ngoài hoặc có khả năng vượt ra ngoài khuôn khổ của pháp luật và chuẩn mực văn hóa đạo đức; diễn ra tại một địa điểm, trong một thời gian nhất định và có khả năng lan tỏa sang nơi khác. Điểm nóng xã hội thường có nguồn gốc từ những tranh chấp dân sự, từ những khiếu kiện của nhân dân không được giải quyết kịp thời, để dây dưa kéo dài, gây tích đọng mâu thuẫn và bùng phát thành điểm nóng.
Điểm nóng chính trị - xã hội cũng có đặc trưng như điểm nóng xã hội nói chung, song nó có tính đặc thù riêng, diễn ra trong lĩnh vực chính trị - xã hội, khi mà sự chống đối của đám đông quần chúng, của những lực lượng đối lập đã hướng trực tiếp vào những người nắm giữ quyền lực chính trị, cơ quan quyền lực và thể chế chính sách của chính quyền nhà nước.
Một số yêu cầu cơ bản trong xử lý điểm nóng chính trị - xã hội
Một trong những yêu cầu cơ bản là qua giải quyết tình huống, phải làm cho nhân dân tin tưởng hơn vào công lý, vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và càng xa lánh kẻ xấu, kẻ địch lợi dụng phá hoại.
Trước hết, phải hạn chế sự sự lan tỏa sang nơi khác và làm cho điểm nóng nguội dần.
- Phong tỏa “lây lan”. Khi điểm nóng bùng phát, phải nhanh chóng và kịp thời lập “rào chắn”, không để phát sinh thêm vấn đề mới làm phức tạp thêm tình hình; đặc biệt, phải chặn đứng ngay sự lợi dụng của kẻ địch.
- Làm cho điểm nóng nguội dần. bằng những biện pháp nghiệp vụ, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, sự tiếp xúc nhanh của những người có thẩm quyền làm dịu sự “hưng phấn” của đám đông, từng bước giải tán từng nhóm quần chúng, cô lập bọn quá khích, vô hiệu hóa những kẻ cầm đầu.
Thứ hai, phải bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân và tăng cường hiệu lực của hệ thống chính trị sở tại.
- Phát huy vai trò của quần chúng tích cực. Trên cơ sở đáp ứng những yêu cầu chính đáng của nhân dân mà động viên và bảo vệ quần chúng tốt, nhất là những người có uy tín trong cộng đồng, vạch mặt những kẻ xấu, chỉ ra những điều sai trái trong việc làm của đám đông cũng như của mỗi người, hướng họ từ người tham gia tạo nên yêu sách thành người cùng trách nhiệm giải quyết vấn đề yêu sách đặt ra.
- Phát huy vai trò của hệ thống chính trị sở tại. Khi tình huống vừa bùng phát, phải củng cố nhanh hệ thống chính trị ở cơ sở. Thực hiện sự lãnh đạo tập trung của tổ chức Đảng. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phải phát huy tối đa vai trò vận động thuyết phục quần chúng. Chính quyền sở tại sử dụng một cách năng động, mềm dẻo và khéo léo các biện pháp giáo dục thuyết phục với biện pháp hành chính cưỡng chế, các biện pháp tư tưởng với kinh tế, đạo đức với pháp luật, khuyến cáo răn đe…; trừng trị thích đáng các phần tử phản động, ngoan cố quậy phá.
Thứ ba, tạo ra sự bình ổn bền vững trong đời sống xã hội.
- Lập lại sự bình ổn xã hội. Nhanh chóng tìm ra biện pháp giải quyết tình huống. Biện pháp không chỉ trực tiếp giải quyết vấn đề chính trị đó. Không “đao to búa lớn”, không phô trương hay lợi dụng quyền lực và bạo lực; không để thiệt hại nhân mạng hay tổn thương về tinh thần, tránh đến mức thấp nhất thiệt hại của cải của quần chúng.
- Tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Giải pháp được lựa chọn không nhằm chỉ để dập tắt mà còn phải chữa trị căn nguyên sinh ra điểm nóng và kết hợp với tổng thể các giải pháp khác để cho đời sống xã hội phát triển tốt hơn cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Quy trình xử lý điểm nóng chính trị - xã hội
Quy trình mang tính phổ biến của xử lý các điểm nóng chính trị - xã hội thường bao gồm những bước cơ bản sau:
Bước 1: Nắm tình hình, phân tích nguyên nhân và nhận dạng mâu thuẫn.
- Số lượng người tham gia biểu tình chống đối. Phân tích thành phần, đối tượng, hình thức tổ chức lực lượng… Họ nêu những yêu sách gì? Những yêu sách đó do cơ quan nào giải quyết? Ai là người cầm đầu? Số lượng những người quá khích? Những âm mưu và thủ đoạn? Họ có quan hệ trực tiếp, gián tiếp với những đâu?
- Phân tích, tìm ra các nguyên nhân đưa đến các điểm nóng. Nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài, nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp.
- Xem xét tính chất của các mâu thuẫn. Mâu thuẫn đối kháng hay không đối kháng, mâu thuẫn giữa nội bộ nhân dân hay mâu thuẫn địch ta, mức độ của từng mâu thuẫn và sự đan xen giữa chúng.
Bước 2: Áp dụng những biện pháp “rút ngòi nổ” và từng bước giải quyết dứt điểm vấn đề.
Lựa chọn chính xác phương pháp, hình thức, lục lượng thích hợp và nghệ thuật sử dụng các phương tiện hỗ trợ mà nhất là các phương tiện thông tin đại chúng để nhanh chóng “rút ngòi nổ” và “hạ nhiệt độ” của điểm nóng, giải tán đám đông và đối sách với những người cầm đầu một cách khéo léo. Vì vậy, cần thiết phải:
- Thành lập ngay ban chỉ đạo chung. Thiết lập sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất, phát huy hiệu lực của hệ thống chính trị để giữ vững quyền lực chính trị; đặc biệc chú ý đến việc lựa chọn đúng người chỉ huy và ban tham mưu cùng hệ thống chỉ đạo từ trên xuống.
- Xác định đúng phương thức giải quyết. Xây dụng kế hoạch giải quyết từng vấn đề một và cả phương án dự phòng. Chuẩn bị phương án xử lý tình huống xấu nhất có thể xảy ra, ngăn ngừa nguy cơ lan tỏa sang nơi khác bằng tất cả các biện pháp có thể; trong đó, biện pháp tư tưởng, tâm lý để ngăn ngừa việc chưa xảy ra vẫn là quan trọng nhất.
- Thực hiện đối sách hợp lý. Nắm vững phương châm: kiên định về nguyên tắc, mềm dẻo về phương pháp, linh hoạt trong hình thức, thỏa đáng về biện pháp trên cơ sở dựa vào dân, nắm lấy dân và thực hiện bằng lực lượng của dân.
Bước 3: Khắc phục hậu quả khi điểm nóng bị dập tắt.
Khi giải tán được đám đông và xử lý những người cầm đầu thì, về cơ bản, điểm nóng đã đươc dập tắt. Vấn đề tiếp theo là xử lý hậu quả:
- Bình thường hóa đời sống xã hội. Đưa những hoạt động cơ bản của đời sống cộng đồng trở lại bình thường như trước khi xảy ra điểm nóng; đồng thời giải quyết luôn những gút mắc có liên quan cũng như tạo ra tiền đề cho sự phát triển mới.
- Khắc phục những thiệt hại. Những thiệt hại về người và của phải được giải quyết một cách thấu lý đạt tình; phù hợp với pháp luật hiện hành, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đạo lý và sinh hoạt cộng đồng.
- Truy cứu trách nhiệm. Trên tinh thần xây dựng mà tiến hành xác định rõ đúng sai, xử lý công khai và đúng tội những người có sai lầm cả hai phía đúng với từng tính chất của vụ việc; khen thưởng những người có công bảo vệ chế độ.
Bước 4: Rút kinh nghiệm, dự báo tình hình và áp dụng những giải pháp để điểm nóng không tái phát.
- Đúc kết kinh nghiệm. Cần tiến hành đánh giá rút kinh nghiệm về người cán bộ lãnh đạo, hệ thống tổ chức quyền lực, phương thức lãnh, chỉ đạo và sự bất cập của chính sách hay luật pháp của của nhà nước, cơ sở chính trị - xã hội trong quần chúng.
- Dự báo điểm nóng có thể tái phát lại không? Nếu có thì mức độ tái phát ra sao? Xu hướng của nó là như thế nào? Cần áp dụng những giải pháp gì để tiếp tục xử lý tình huống tái phát.
- Các giải pháp không để cho điểm nóng tái phát. Cần áp dụng những giải pháp gì để điểm nóng không tái phát? Những giải pháp trước mắt và những giải pháp  bổ trợ.
Điểm nóng chính trị - xã hội phải được xử lý theo quan điểm lịch sử cụ thể và hết sức cẩn trọng; mỗi sai lầm dù là sai lầm nhỏ cũng có thể làm cho tình hình xấu đi, thậm chí trở nên nguy hiểm, mất kiểm soát và hậu quả là khôn lường.
                                                                                                Trung Kiên (tổng hợp)

TIN MỚI

[recent][column list pagenumber]

MKRdezign

Author Name

{picture#Your_Profile_Picture-Url} {Facebook#Your_Social_Profile_Url} {Twitter#Your_Social_Profile_Url} {Google#Your_Social_Profile_Url} {Pinterest#Your_Social_Profile_Url} {Youtuber#Your_Social_Profile_Url} {Instagram#Your_Social_Profile_Url} {Zalo#Your_Social_Profile_Url}

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget