TIN HỘI NGHỊ
TRIỂN KHAI LUẬT AN NINH MẠNG NĂM 2018
VÀ LUẬT TIẾP CẬN THÔNG TIN NĂM 2016
Chiều ngày 10/01/2019, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Quận 4 đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật An ninh mạng năm 2018 và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Đến tham dự Hội nghị có 350 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quận , lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 4 và các đoàn thể; thành viên Hội đồng; lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể 15 phường và lực lượng tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở trên địa bàn quận. Ông Dương Quang Thọ - Nguyên Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh là báo cáo viên Hội nghị. Hội nghị đã tập trung giới thiệu, tìm hiểu mục đích, yêu cầu cũng như những quy định cơ bản, quan trọng của Luật An ninh mạng năm 2018 và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016
Theo đó, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước không thể thiếu sự đóng góp to lớn của việc ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và tận dụng tiềm lực dồi dào của môi trường mạng. Tuy nhiên, song song với những mặt tích cực mà môi trường mạng mang lại luôn tồn tại những hạn chế và tiềm ẩn nguy cơ gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thực tế trong những năm qua cho thấy do pháp luật chưa có cơ chế, biện pháp, hành lang pháp lý thống nhất để điều chỉnh các hoạt động trên môi trường mạng đã phát sinh không ít những trường hợp lợi dụng, khai thác môi trường mạng vào mục đích vi phạm pháp luật, đe dọa đến chủ quyền, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội và xâm hại thông tin cá nhân của người dân.
Luật An ninh mạng năm 2018 gồm 7 chương và 43 điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc xây dựng và ban hành Luật An ninh mạng đã hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an ninh mạng theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành; góp phần bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng trong thời kỳ mới, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh, ổn định và phát triển.
Bên cạnh đó, quyền được tiếp cận thông tin là quyền con người và là quyền cơ bản của công dân thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Ở nước ta, quyền được thông tin của công dân đã được ghi nhận tại Điều 69 Hiến pháp năm 1992và tiếp tục được khẳng định, nâng tầm từ "quyền được thông tin" thành "quyền tiếp cận thông tin" tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013. Để triển khai thực hiện, trong những năm qua Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có các quy định về thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, các văn bản vẫn còn nhiều bất cập và chưa có sự đồng bộ, thống nhất trong quy định về nguyên tắc thực hiện quyền và hạn chế quyền, thiếu các tiêu chí để xác định thông được được tiếp cận, hạn chế tiếp cận hoặc không được tiếp cận, hình thức, phạm vi, quy trình, thủ tục công khai thông tin…
Do vậy, việc ban hành Luật Tiếp cận thông tin đã tạo khuôn khổ pháp lý chung để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, tạo điều kiện cho các cơ quan đại diện nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân có đầy đủ thông tin để thực hiện tốt chức năng giám sát nhà nước, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền dân chủ, nhất là dân chủ trực tiếp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Hội nghị được tổ chức nhằm giúp đội ngũ cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn quận nắm rõ quy định của các Luật mới ban hành, đặc biệt là những Luật có phạm vi điều chỉnh liên quan trực tiếp đến bảo vệ, giữ gìn an ninh chính trị của đất nước và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân theo Hiến pháp năm 2013. Từ đó nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật một cách sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật hoặc hiểu sai lệch về ý nghĩa, mục đích ban hành luật; góp phần đưa pháp luật đi vào thực tiễn cuộc sống và phát huy hiệu lực, hiệu quả.
Đăng nhận xét