Phát huy tinh thần đồng khởi trong xây dựng đất nước hôm nay
(Thanhuytphcm.vn) - 61 năm trước, ngày 17/1/1960, tại Bến Tre, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, nhân dân Bến Tre đã đứng lên khởi nghĩa chống lại sự áp bức của chính quyền Sài Gòn vốn được tiếp sức bằng viện trợ của đế quốc Mỹ. Cuộc khởi nghĩa là một cao trào cách mạng của tỉnh, sau đó lan rộng toàn miền Nam với nhiều mô hình, nhiều cách thức sáng tạo và hiệu quả, đánh dấu một bước chuyển mới của cách mạng miền Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là Xứ ủy Nam bộ.
Nhắc đến phong trào Đồng Khởi thường mọi người nghĩ đến cao trào cách mạng ở Bến Tre nhưng thực ra các hoạt động đồng khởi đã diễn ra từ trước đó. Từ năm 1959, các hoạt động kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang để lật đổ chính quyền Sài Gòn, cao trào diễn ra ở các địa phương như Bác Ái (Ninh Thuận, tháng 2/1959), Trà Bồng (Quảng Ngãi, tháng 8/1959)... phong trào lan nhanh ra khắp miền Nam. Noi gương Bác Ái, đồng bào các dân tộc Xê Ðăng, Ê Ðê... ở Kon Tum, hay người Chăm, Hrê..., ở Phú Yên liên tiếp nổi dậy, diệt ác ôn, bỏ làng cũ, vào rừng lập làng mới, mạnh dạn sống bất hợp pháp với địch. Trong lúc nhân dân Trà Bồng nổi dậy, xảy ra trận đánh của Tiểu đoàn 502 (chủ lực Khu 8) tại Giồng Thị Ðam - Gò Quản Cung thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Kiến Phong (nay là Ðồng Tháp) vào ngày 26/9/1959, gây được tiếng vang lớn ở toàn miền Nam.
Sau đồng khởi ở Bến Tre, trong khi địch đang phải lo đối phó cuộc nổi dậy đồng loạt của nhân dân ta trên khắp miền Nam, thì đêm 25 rạng ngày 26/1/1960, ba đại đội bộ binh và một đại đội đặc công thuộc Ban Quân sự miền Ðông Nam bộ, cùng bộ đội địa phương tỉnh Tây Ninh, dân quân, du kích, nổ súng tiến công căn cứ Tua Hai (Tây Ninh) và nhanh chóng làm chủ căn cứ này, đánh dấu bước chuyển mình về đấu tranh quân sự của nhân dân miền Nam trong phong trào đồng khởi…
Đồng Khởi là một cao trào cách mạng độc đáo, thể hiện sự sáng tạo của các tổ chức đảng ở Đảng bộ miền Nam, sự anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ miền Nam (với nòng cốt là các cán bộ bí mật ở lại sau hiệp định Genève và vượt qua được sự truy sát của chính quyền phát xít Ngô Đình Diệm), sự quật khởi của nhân dân miền Nam, cùng tình thế cách mạng không thể đảo ngược với tinh thần “nơi nào có áp bức nơi đó có đấu tranh”. Phong trào Đồng Khởi đã để lại cho cách mạng nước ta nhiều bài học quý báu về đấu tranh cách mạng nói riêng và về chỉ đạo chiến lược cách mạng nói chung.
Nhìn lại bối cảnh và diễn biến của cuộc đồng khởi 61 năm trước, so với tình hình và đặc điểm của đất nước hiện nay, ta nhận thấy có một số điểm tương đồng. Đồng khởi nổ ra trong lúc cách mạng đang rất khó khăn, thì hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội đất nước đang bị tác động nặng nề của dịch Covid-19. Đồng Khởi phát huy các sự chủ động, sáng tạo của từng tổ chức đảng, từng địa phương, của nhân dân miền Nam; việc đồng thời thực hiện hai mục tiêu kép là vừa quyết liệt phòng ngừa dịch bệnh vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay cũng có nhiều mô hình hay, nhiều cách làm sáng tạo, nhiều giải pháp hiệu quả. Đồng Khởi phát huy cao độ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết của nhân dân; thời gian qua, trong đại dịch, nhân dân đã thể hiện rõ tinh thần hỗ trợ, lòng tương thân tương ái, thái độ cộng đồng trách nhiệm trong hoạt động phòng chống dịch và giúp đỡ lẫn nhau vượt qua dịch bệnh cùng các khó khăn khác. Đồng Khởi là một chỉ dấu thể hiện lòng tin sâu sắc của nhân dân miền Nam đang bị kềm kẹp đối với sự lãnh đạo của Đảng, sẵn lòng đi theo Đảng để tự giải phóng cho đất nước và cho chính mình. Trong 1 năm qua, nhân dân ta hiện nay cũng thể hiện rõ lòng tin đối với chủ trương và từng giải pháp cụ thể trong hoạt động phòng chống dịch, vốn thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, nhân văn, nhân bản…
Dĩ nhiên, thế và lực của cách mạng nước ở hai thời kỳ có nhiều điểm khác biệt: trước đây, các tổ chức đảng ở trong thế hoạt động bí mật, bất hợp pháp, bị phân tán và hoàn toàn chưa nắm được chính quyền; còn hiện nay, “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay” như dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá. Dẫu vậy, việc phát huy tinh thần và các giá trị của đồng khởi năm 1960 vào xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay vẫn có thể vận dụng một cách tích cực.
Đó là luôn gắn lý luận với thực tiễn, gắn chủ trương cách mạng với tình thế cách mạng, gắn ý Đảng và lòng dân trong mọi quyết sách và hành động cách mạng. Đó là tiếp tục khẳng định và khơi gợi lòng yêu nước nồng nàn và sâu sắc của nhân dân để đoàn kết, đồng lòng vượt qua mọi thử thách. Đó là tiếp tục phát huy sự chủ động, sáng tạo của từng tổ chức đảng, từng địa phương, từng cán bộ đảng viên và người dân trong việc tìm tòi các giải pháp khắc phục khó khăn, ứng phó hợp lý với điều kiện cụ thể, vừa giải quyết của bản thân vừa góp phần vào giải quyết các vấn đề chung. Đó là tiếp tục tinh thần lấy dân làm gốc, các giải pháp, các chủ trương, các định hướng phải xuất phát từ nguyện vọng và lợi ích của nhân dân và luôn bảo đảm quá trình cách mạng cũng vì nhân dân. Đó là phải luôn chọn đúng thời cơ cách mạng, tức là trong từng điều kiện cụ thể khác nhau thì phải có những định hướng, những giải pháp khác nhau, tránh xơ cứng, máy móc và luôn chú trọng từ các điểm mới, cái mới từ thực tiễn, nếu nó có hiệu quả cần được phát huy, nhân rộng và biến thành cao trào cách mạng một cách triệt để…
Bài học từ phong trào Đồng Khởi đã để lại cho cách mạng miền Nam nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung nhiều bài học quý báu. Trong điều kiện hiện nay, việc tiếp tục vận dụng sáng tạo những bài học đó để thực hiện đồng thời hai mục tiêu kép, là phòng chống dịch Covid-19 có hiệu quả và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, cần được phát huy một cách hợp lý. Đó cũng là cách nối tiếp truyền thống cách mạng của Đảng dù trong các hoạt động, các điều kiện cách mạng khác nhau!
Vân Tâm
Đăng nhận xét