Những dấu ấn chỉ đạo chiến lược của các Đại hội Đảng
(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Trong mỗi kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, bên cạnh công tác nhân sự còn có nhiều nội dung quan trọng khác, như kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ trước, kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong nhiệm kỳ, bàn phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới, sửa đổi Điều lệ Đảng (nếu có), thông qua cương lĩnh chính trị (nếu có)…
Trong 12 kỳ Đại hội Đảng đã qua, ở nhiều kỳ, những vấn đề đọng lại sâu đậm thường là các chỉ đạo chiến lược. Chẳng hạn, tại Đại hội lần thứ II (tháng 2-1951), Đảng ta đã ra hoạt động công khai[1] và đổi tên từ Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam bấy giờ là đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, trừ diệt bọn phản quốc, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất, xóa bỏ phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, tiến lên chủ nghĩa xã hội… Đại hội II đã có những định hướng quan trọng để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp 3 năm sau đó.
Tại Đại hội lần thứ III (tháng 9-1960), Đảng ta đã xác định nhiệm vụ cách mạng là tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh... Đại hội đã nêu rõ, hai nhiệm vụ cách mạng ở miền Bắc và ở miền Nam thuộc hai chiến lược khác nhau, song hai nhiệm vụ đó trước mắt đều có một mục tiêu chung là thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc…
Một kỳ Đại hội khác cũng đã để lại dấu ấn hết sức quan trọng trong tiến trình cách mạng Việt Nam, là Đại hội lần thứ VI (tháng 12-1986), được coi là đại hội đổi mới. Đại hội đã thẳng thắn nêu nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại của đất nước trong thời gian trước, trong đó nhấn mạnh Đảng đã có “những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện”, đặc biệt là bệnh chủ quan duy ý chí, lạc hậu về nhận thức lý luận. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình đất nước, Đại hội đề ra đường lối đổi mới. Đó là đổi mới cơ cấu kinh tế; thực hiện ba chương trình kinh tế bao gồm chương trình lương thực - thực phẩm, chương trình hàng tiêu dùng, chương trình hàng xuất khẩu; xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế.
Hay sau đó, Đại hội VII (tháng 6-1991) được nhớ đến nhiều bởi Đảng ta đã đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với 5 bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc, đồng thời xác định quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là một quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường; trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, cần nắm vững 7 phương hướng cơ bản. Đến Đại hội XI (tháng 1-2011), điều cũng được nhớ tới nhiều là Đảng ta đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), trong đó đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc… Trong suốt nhiệm kỳ này, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã được thực hiện quyết liệt và đạt được những kết quả rất tích cực, được dư luận đánh giá rất cao.
Lần này, Đại hội XIII của Đảng đã định ra nhiều vấn đề rất quan trọng và có ý nghĩa, mang tính định hướng cho sự phát triển của đất nước cho nhiều năm sau, điều mà các Đại hội trước ít nhắc tới. Chẳng hạn, dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội đã nêu những định hướng phát triển đất nước có tầm nhìn rất xa, chứ không chỉ của nhiệm kỳ tới; trong đó, xác định đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây rõ ràng là những định hướng có tính lộ trình, đồng thời là những mục tiêu quan trọng để toàn Đảng, toàn dân phấn đấu. Suy cho cùng, đây chính là những bước mang tính nền tảng của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa ở nước ta.
Hay dự thảo Báo cáo chính trị cũng nhiều lần nhắc đến vấn đề “phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, trong đó đề cập yếu tố “hạnh phúc” như là một mục tiêu quan trọng của sự phát triển. Nội hàm của “hạnh phúc” theo Đại hội XIII rộng hơn và khác hơn so với nội hàm của “hạnh phúc” theo Đại hội XII, bởi ở 5 năm trước, hạnh phúc chỉ dừng lại ở hạnh phúc của cá nhân, hạnh phúc của gia đình mà chưa nâng thành hạnh phúc của xã hội, của đất nước và được đề cập không nhiều lần như ở Đại hội XIII. Đây thực sự là mục tiêu mang tính nhân văn sâu sắc.
Như vậy, Đại hội Đảng là một sinh hoạt chính trị rất quan trọng của Đảng, bàn rất nhiều vấn đề trọng yếu của đất nước, tức là sẽ tác động trực tiếp đến gần như tất cả người dân. Nhìn lại các kỳ Đại hội Đảng, nhiều quyết sách quan trọng mang tính quyết định đến sự phát triển của đất nước, đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân đã được thông qua tại Đại hội. Và với những gì đã được chuẩn bị, Đại hội XIII cũng sẽ tiếp tục là Đại hội thảo luận và quyết định những nội dung mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân ta, đất nước ta!
Vân Tâm
Đăng nhận xét