Những bài học lớn từ Hiệp định Paris năm 1973
(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris, hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, được ký kết tại Paris (Pháp). Để đi đến các thỏa thuận tại Paris, phía Việt Nam (gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau này là Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) và phía Mỹ (gồm Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng hòa) đã phải trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao. Song song đó, trong 5 năm từ 1968 đến 1973, các bên đã có khoảng 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn; tại Mỹ và một số nước đã diễn ra hàng ngàn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam.
Từ Hiệp định Paris, quân xâm lược Mỹ đã phải cuốn cờ rút khỏi Việt Nam (diễn ra chính thức vào ngày 28/3/1973), tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng Việt Nam, từng bước dẫn đến ngày toàn thắng 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 25/1/2013, tại lễ kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Paris, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát biểu: “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta ở thế kỷ XX; đánh dấu thắng lợi lịch sử của nhân dân ta sau hơn 19 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao chống Mỹ xâm lược (…) Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam”.
Phát biểu với báo chí nhân kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Paris, ông Trịnh Ngọc Thái, thành viên đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp, khẳng định: “Cuộc đàm phán Paris về Việt Nam đã trở thành trung tâm chú ý của dư luận thế giới vì cuộc đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là tâm điểm của những mâu thuẫn cơ bản của thời đại lúc bấy giờ. Việc ký kết Hiệp định là sự tháo nút cho cuộc chiến tranh ác liệt và lâu dài nhất trên thế giới sau chiến tranh thế giới lần thứ hai... Đàm phán Paris được đánh giá là cuộc đấu trí căng thẳng giữa 2 nền ngoại giao. Đó là nền ngoại giao trên thế mạnh của Mỹ và nền ngoại giao nhân văn của Việt Nam”.
Nhìn lại sự kiện ký kết Hiệp định Paris, chúng ta rút ra nhiều bài học quan trọng và có thể vận dụng vào việc xử lý các vấn đề đối ngoại trong giai đoạn hiện nay.
Thứ nhất, giữ vững các nguyên tắc trên tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Lập trường của ta trong các cuộc đàm phán là luôn khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam; lên án tội ác chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trên hai miền Nam, Bắc Việt Nam; đòi Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam; yêu cầu chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện việc ném bom miền Bắc Việt Nam của Mỹ… Chúng ta đã linh hoạt ứng xử trong các tình huống cụ thể nhưng không bao giờ từ bỏ các nguyên tắc đó và chúng ta đã chiến thắng…
Hiện nay, trong vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, chúng ta cũng đã giữ vững quan điểm Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi ở biển Đông, trong đó có các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, và điều đó là “bất biến”. Trong từng điều kiện cụ thể, chúng ta có thể có thể linh hoạt thực hiện các biện pháp đấu tranh, bảo vệ chủ quyền sao cho phù hợp với luật pháp quốc tế và điều kiện thực tế của đất nước, ấy chính là “vạn biến”.
Thứ hai, phải luôn kiên quyết, kiên trì, sử dụng đồng thời các thắng lợi khác để bổ trợ cho công tác đối ngoại. Thắng lợi của Hiệp định Paris là một thắng lợi về mặt ngoại giao nhưng cũng là thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam cả về chính trị, quân sự… Nếu không có từng chiến thắng ở các chiến dịch, trận đánh cụ thể thì Mỹ không bao giờ chịu ngồi vào bàn đàm phán, hoặc không bao giờ từ bỏ các yêu sách phi lý của mình. Trong đó, thắng lợi ở trận “Điên Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 đã bẻ gãy hoàn toàn ý chí xâm lược của Mỹ và buộc Mỹ phải chấp nhận đàm phán cũng như chấp nhận các đề nghị của Việt Nam.
Vận dụng bài học này, để khẳng định quan điểm của Việt Nam trong các đàm phán quốc tế, cần thể hiện vị thế của nước ta ở nhiều lĩnh vực, nhất là chính trị, kinh tế, văn hóa và cả quân sự. Như trong các đàm phán thương mại song phương, có đối tác đưa ra các yêu sách phi lý về nhân quyền, về các vấn đề nội bộ, về nền kinh tế thị trường…; bên cạnh việc kiên trì giải thích, thuyết phục, chúng ta luôn chứng minh bằng các lý lẽ cụ thể về các thành tựu bảo vệ quyền con người ở nước ta, về uy tín của đất nước trên trường quốc tế, về tính hội nhập và đặc điểm thị trường của nền kinh tế…
Thứ ba, tôn trọng các cam kết nhưng không bao giờ mất cảnh giác. Ngay trước và sau Hiệp định Paris, chính quyền Sài Gòn liên tiếp vi phạm Hiệp định bằng cách ráo riết thực hiện Chiến dịch Tràn ngập lãnh thổ từ đêm 24/1/1973 và hàng loạt kế hoạch quân sự trong toàn bộ năm 1973, đầu năm 1974; đồng thời thực hiện các kế hoạch như Hùng Vương, Lý Thường Kiệt (1973 - 1974) và kế hoạch toàn diện lâu dài (1973 - 1978) nhằm nhanh chóng bình định miền Nam Việt Nam… Đối phó với âm mưu, thủ đoạn này, ta đã có nhiều giải pháp từ trong nội bộ và hành động cụ thể về mặt chính trị, quân sự và từng bước làm phá sản các kế hoạch của địch trước khi đánh đổ hoàn toàn chế độ này...
Hiện nay, chúng ta ký kết nhiều thỏa thuận, hiệp định, hiệp ước song phương, đa phương với nhiều đối tác. Trong quá trình thực hiện, không tránh khỏi những cách hiểu khác nhau, sự vận dụng khác nhau vào từng thời điểm, thậm chí có cả những âm mưu, thủ đoạn phá hoại. Do đó, bài học cảnh giác vẫn phải luôn được thực hiện một cách thường xuyên và triệt để.
Thứ tư, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế nhưng phải dựa vào sức mình là chính. Hiệp định Paris là “niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, những người đã đồng hành ủng hộ, giúp đỡ nhân dân ta trong suốt cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, dõi theo từng diễn biến trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán tại Paris. Hiệp định Paris là sự minh chứng hùng hồn cho chân lý “đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo”, củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa”, như phát biểu của Chủ tịch Trương Tấn Sang tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định này. Tuy nhiên, nếu bản thân cách mạng Việt Nam không tự lực, tự cường thì không thể đi đến Hiệp định cũng không thể đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân tiến bộ trên thế giới…
Hiện nay, việc xử lý các vấn đề liên quan đến chủ quyền trên biển Đông của Việt Nam cơ bản được thế giới đánh giá cao và ủng hộ. Như trong cuộc đấu tranh với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014, gần như cả thế giới đứng về phía Việt Nam. Tuy nhiên, sự ủng hộ đó chỉ trở thành sức mạnh vật chất thực sự khi kết hợp với các sức mạnh khác từ nội lực của chúng ta, như về chính trị, kinh tế, ngoại giao, kể cả sức mạnh quốc phòng.
*
Có thể nói, thắng lợi của Hiệp định Paris đã mở ra một bước ngoặt mới cho cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Quá trình đi đến việc ký kết và bản thân Hiệp định đã để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều bài học quý giá. Trong bối cảnh hiện nay, các bài học đó cần được nghiên cứu và vận dụng một cách hợp lý để tiếp tục thúc đẩy cách mạng nước ta phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Vân Tâm
Đăng nhận xét