Lực lượng võ trang đô thị Sài Gòn - Gia Định, nét đặc sắc và sáng tạo về xây dựng lực lượng quân giải phóng miền Nam thời kỳ chống Mỹ

 

Lực lượng võ trang đô thị Sài Gòn - Gia Định, nét đặc sắc và sáng tạo về xây dựng lực lượng quân giải phóng miền Nam thời kỳ chống Mỹ

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM gặp gỡ các nhân chứng lịch sử tại Hội thảo khoa học “Lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” được tổ chức vào tháng 1/2018. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 15 tháng 1, 60 năm về trước (1961), thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam, Chỉ thị của Tổng quân ủy, tại chiến khu D, Trung ương Cục miền Nam tuyên bố thành lập Quân Giải phóng miền Nam. Đây là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, là nét đặc sắc của nghệ thuật sử dụng lực lượng thực hiện nhiệm vụ cách mạng ở nước ta trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Về danh nghĩa, đây là lực lượng võ trang do Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam thành lập, với lá cờ giải phóng nửa xanh nửa đỏ, sao vàng lấp lánh, nhưng về bản chất là một bộ phận của quân đội nhân dân Việt Nam hoạt động trên chiến trường miền Nam và để thực hiện nhiệm vụ “giải phóng miền Nam Việt Nam”. Với 15 năm tồn tại (1961 – 1975), Quân giải phóng miền Nam đã trực tiếp làm nên những chiến công chói lọi, góp phần quan trọng vào sự thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.

Sự sáng tạo độc đáo làm nên những chiến công vang dội

Sài Gòn – Gia Định là đô thị lớn nhất, đầu não của bộ máy chiến tranh của địch, là chiến trường trọng điểm của miền Nam, nên sau đó không lâu, Quân khu Sài Gòn – Gia Định đã được thành lập vào tháng 4/1961. Ngày 20/9/1961, Khu ủy và Quân khu Sài Gòn – Gia Định tổ chức Hội nghị quân sự toàn quân khu lần thứ nhất tại xã Lộc Thuận (Trảng Bàng, Tây Ninh). Tham gia Hội nghị có 60 cán bộ gồm những lực lượng nằm vùng lăn lộn với phong trào quần chúng còn lại sau bao năm bị đàn áp khốc liệt dã man của địch và một lực lượng đông đảo tập kết ra Bắc trở về, trong đó có nhiều thành viên trong Đoàn Phương Đông – Đoàn cán bộ nòng cốt cho cơ quan chỉ huy quân sự từ Bộ Chỉ huy Miền đến các quân khu do Trung ương tăng cường cho chiến trường B2 (Nam Bộ).

Dưới sự chỉ đạo của Bí thư Khu ủy Võ Văn Kiệt, đồng chí Trần Hải Phụng, Quyền Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Quân khu Sài Gòn – Gia Định trình bày về phương án Tổ chức chiến tường và xây dựng lực lượng, phương thức hoạt động của lực lượng võ trang quân khu. Hội nghị đã thảo luận sôi nổi, vận dụng sáng tạo Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng khóa 2 trên chiến trường đô thị trọng điểm, đã quyết nghị phân chia chiến trường Sài Gòn – Gia Định thành 3 vùng: Vùng căn cứ giải phóng (nông thôn), vùng tranh chấp ven đô và vùng nội thành để tiến hành xây dựng lực lượng võ trang và chỉ đạo phương thức hoạt động cho sát hợp. Theo đó, phương thức xây dựng lực lượng võ trang đô thị là lấy lòng dân làm căn cứ, lấy nội đô làm trung tâm, xây dựng binh chủng đặc biệt, tinh nhuệ là lực lượng xung kích trên cơ sở đồng bộ các thứ quân. Từ đó, vùng nội thành lấy đấu tranh chính trị là chủ yếu có kết hợp đấu tranh vũ trang với tính chất đặc thù là đánh đau, đánh hiểm nhằm vào các mục tiêu đầu não, sào huyệt địch, gây thối động chính trị, tích cực trừ gian, diệt ác, phá kềm, gây bất ổn an ninh, hỗ trợ cho đấu tranh chính trị của quần chúng tạo nên làn sóng đấu tranh chính trị sâu rộng và thường xuyên trong nội đô.

Như vậy, về tổ chức chiến trường, bố trí lực lượng được chia ra 3 vùng tạo thế liên hoàn về căn cứ - lõm du kích - lõm chính trị để bảo toàn lực lượng và giữa quyền chủ động tấn công địch. Về xây dựng lực lượng cũng lấy khâu xây dựng cơ sở làm nền tảng vững chắc, từ đó hình thành dần lực lượng võ trang nội đô, tiêu biểu là “biệt động Thành” gồm các đội biệt động của Quân khu, của các cánh (nối liền vùng ven với nội đô như cánh 154 – quận 2 và quận 4; cánh 156 – quận 7 và quận 8; cánh 157 – quận 6, các xã Bình Trị, An Lạc, Phú Định, Phú Thọ Hòa; cánh 158 – quận 4 và quận 5; cánh 159 – quận 1 và các xã Thạnh Mỹ Tây, Bình Hòa, Phú Nhuận…). Các cánh là nòng cốt để xây dựng lực lượng võ trang đô thị. Đồng thời xây dựng lực lượng võ trang của các ngành, các giới (Thành Đoàn, Hoa Vận…).

Năm 1965 để thực hiện kế hoạch X (tấn công đồng loạt một số mục tiêu quan trọng trong nội thành) đã xây dựng lực lượng biệt động tập trung của Quân khu – F100 ra đời. Là chiến trường đô thị - trung tâm đầu não của kẻ thù nên phải xây dựng các đơn vị phục vụ chiến đấu, các đơn vị bảo đảm vận chuyển vũ khí từ vùng giải phóng vào nội đô và các cơ sở cất dấu vũ khí, ém quân nên A20, A30, ra đời với hàng loạt hầm vũ khí, nơi ém quân, cơ sở hậu cần để đi vào chiến dịch. Các thứ quân, các lực lượng đều từ phong trào chính trị, bạo lực của quần chúng mà được tổ chức, xây dựng và phát triển, vừa có cơ sở vững chức, vừa có môi trường quần chúng rộng lớn để phát triển và hoạt động, nên đã phát huy được chức năng và tồn tại lâu dài trong lòng địch. Biệt động Thành – lực lượng võ trang tiêu biểu hoạt động trong nội đô thường là người tại chỗ, phải “ba hóa” – công khai hóa, hợp thức hóa, địa phương hóa; và phải “ba cùng” – cùng ăn, cùng ở, cùng quần chúng đấu tranh.

Rõ ràng vấn đề xây dựng và bố trí sử dụng lực lượng võ trang đô thị ở chiến trường trọng điểm Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định là sự sáng tạo độc đáo, tuyệt vời đảm bảo điều kiện cần thiết làm nên những chiến công vang dội, những trận đánh “xuất quỷ nhập thần”, bí mật, bất ngờ, táo bạo, linh hoạt, đánh sâu, đánh hiểm, đánh vào mục tiêu chiến lược, vào cơ quan đầu não, làm thổn óc quân xâm lược, dẫn đến bất an, làm lo sợ, lung lay ý chí xâm lược.

Có thể nói, trong thời kỳ “chiến tranh đặc biệt”, lực lượng võ trang Sài Gòn – Gia Định, trong đó đóng vai trò quan trọng là lực lượng biệt động nội đô đã tiêu diệt quân xâm lược Mỹ nhiều nhất trong toàn Miền.

Hội thảo khoa học “Lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” do Bộ Tư lệnh TPHCM phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức tháng 1/2018. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)Hội thảo khoa học “Lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” do Bộ Tư lệnh TPHCM phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức tháng 1/2018. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

Lịch sử biệt động không ai có thể quên được

Thời kỳ “chiến tranh cục bộ”, lực lượng biệt động cấp Quân khu được xây dựng, Đoàn biệt động F100 được thành lập gồm 9 đội biệt động, hai đơn vị bảo đảm chiến đấu – A20 và A30… Từ đây, cuộc chiến đấu của lực lượng võ trang Sài Gòn – Gia Định trong nội thành quy mô càng lớn, hiệu quả càng cao, ngày càng có tiếng vang lớn.

Thời kỳ 1965 – 1967, biệt động Thành còn có nhiều trận đánh gây tiếng vang lớn, như trận đánh nhà hàng Mỹ Cảnh (T6/1965), nơi tập trung quân Mỹ, đánh Tổng nha cảnh sát Sài Gòn (T8/1965), tập kích vào Khách sạn Metropol (T12/1965), Khách sạn Victoria (T3/1966) – những nơi quân Mỹ ở; pháo kích vào lễ đài quốc khánh ngụy quyền Sài Gòn (T11/1966), tấn công sân bay Tân Sơn Nhất (T12/1966)… Đó là những trận “tập dượt” cho sự vào cuộc của Biệt động Thành trong Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong chiến dịch này, Biệt động Sài Gòn – Gia Định đã giáng đòn phủ đầu, gây nên cú “choáng đột ngột” cho kẻ xâm lược. Đêm 30 rạng 31/01/1968 (nhằm đêm mùng một rạng mùng hai Tết), biệt động Thành tiêu biểu là đội 5, đội 11, đội 6-9, đội 3, đội 4… đã đồng loạt tấn công vào các mục tiêu được coi là “bất khả xâm phạm” của quân xâm lược như Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Bộ Tư lệnh Hải quân, Đài phát thanh… Chỉ tính riêng những mục tiêu quan trọng vừa nêu, chỉ với 88 chiến sỹ biệt động Thành đã tiêu diệt được gần 200 tên địch trong điều kiện so sánh lực lượng quá chênh lệch nơi trung tâm đầu não kẻ thù, đã làm nên chiến công vang dội, mở đầu xuất sắc cuộc tiến công ở Sài Gòn, gây chấn động lớn, đã lập công đầu của chiến dịch Mậu Thân lịch sử. Các trận đánh vào cơ quan đầu não của bộ máy chiến tranh của kẻ thù đã gây tiếng vang lớn, làm rúng động cả thế giới, tạo nên sức mạnh tinh thần bất diệt, cổ vũ, thôi thúc khí thế chiến đấu của quân và dân ta, xứng đáng là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của quân giải phóng miền Nam – một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam – đội quân anh hùng của một dân tộc Anh hùng.

Trong lịch sử xây dựng và chiến đấu, lực lượng võ trang nội đô mà nòng cốt là biệt động Thành đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, hàng chục đơn vị, cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” trong đó có các đồng chí chỉ huy cao nhất như Thiếu tướng Trần Hải Phụng, Tư lệnh Quân khu; Đại tá Nguyễn Đức Hùng, Phó Tư lệnh Quân khu, Tham mưu trưởng trực tiếp chỉ huy Biệt động Thành…

Là một bộ phận của Quân giải phóng miền Nam, sau khi miền Nam được giải phóng – 1975, biệt động Sài Gòn được giải thể, không còn trong “Danh bạ” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” gần nửa thế kỷ qua, Đảng và Nhà nước, Trung ương và địa phương đã thực hiện nhiều nhiệm vụ để giải quyết những “hậu sự” của biệt động, song do nhiều nguyên nhân, điều kiện, cho đến tận bây giờ vẫn còn nhiều vấn đề chưa giải quyết được… Thiết tưởng, xây dựng nên lực lượng võ trang đô thị, tiêu biểu là biệt động Thành “là một sáng tạo về hình thức tổ chức lực lượng vũ trang của Đảng…, là bước phát triển mới của chiến tranh nhân dân, nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam.” (Lời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) là “một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ” (Lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp), là huyền thoại mãi mãi không mờ phai…, thì dù “phiên hiệu” không còn song “Lịch sử biệt động 5 năm, 10 năm, 100 năm vẫn được ghi nhận, không ai có thể quên được!” (Lời đồng chí Nguyễn Đức Hùng – Trực tiếp phụ trách biệt động Thành).

PGS.TS Phan Xuân Biên

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

Nhãn:

Đăng nhận xét

TIN MỚI

[recent][column list pagenumber]
[blogger]

MKRdezign

Author Name

{picture#Your_Profile_Picture-Url} {Facebook#Your_Social_Profile_Url} {Twitter#Your_Social_Profile_Url} {Google#Your_Social_Profile_Url} {Pinterest#Your_Social_Profile_Url} {Youtuber#Your_Social_Profile_Url} {Instagram#Your_Social_Profile_Url} {Zalo#Your_Social_Profile_Url}

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget