Kỷ niệm 80 năm ngày Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/01/1941 – 28/01/2021)
Ba quyết sách lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau khi về nước
(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Do nắm sát tình hình cách mạng Việt Nam, chỉ sau một thời gian ngắn về nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có những quyết sách quan trọng, tác động mang tính quyết định đến diễn biến cách mạng trong nước…
Bối cảnh Nguyễn Ái Quốc về nước
Ngày 22-6-1940, Pháp mất nước vào tay phát xít Đức. Nắm được tin này, tại Côn Minh (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập cuộc họp Ban Hải ngoại của Đảng. Người phân tích: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”[1].
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin thì thời cơ trong cách mạng hay tình thế cách mạng có ba nhân tố chủ yếu sau: Thứ nhất, giai cấp thống trị đã suy yếu, khủng hoảng đến mức không thể tiếp tục thống trị bằng những phương thức cũ được nữa. Thứ hai, các giai cấp và tầng lớp bị trị bên dưới cũng rơi vào tình trạng cơ cực, bị bần cùng không thể chịu đựng được nữa, không thể sống nổi nữa. Mâu thuẫn đã gay gắt đến cực độ và quần chúng đã sẵn sàng đi tới hành động giải phóng. Thứ ba, tầng lớp, bộ phận trung gian, những người trí thức yêu nước có tư tưởng dân chủ tiến bộ, những người có tinh thần dân tộc, kể cả một bộ phận trong giai cấp hữu sản nhưng gần với quần chúng, nhận thức được xu thế lịch sử, ngã về phía cách mạng, khiến tương quan lực lượng có lợi cho phía cách mạng.
Trên thực tế, trong Thế chiến II (1939 - 1945), đế quốc Pháp là một khâu yếu trong sợi dây xích của chủ nghĩa đế quốc thế giới. Trong hệ thống thuộc địa của Pháp thì Đông Dương là khâu yếu nhất. Ngay tại chính quốc, Pháp đã bị phát xít Đức xâm lược và phải lập chính phủ bù nhìn tay sai cho Đức. Ở Đông Dương, Pháp phải từng bước đầu hàng phát xít Nhật, cuối cùng cũng sẽ bị Nhật truất quyền thống trị. Đây chính là cơ hội thuận lợi cho việc giải phóng dân tộc.
Bởi vậy, đầu tháng 1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đến làng Nậm Quang (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc) tổ chức lớp huấn luyện chính trị cho 43 cán bộ cách mạng Việt Nam và chuẩn bị việc về nước. Ngày 28-1-1941 (ngày mùng 2 Tết Tân Tỵ), Người đã về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Ba quyết định quan trọng của Nguyễn Ái Quốc
Từ ngày 8-2-1941, Người ở và làm việc tại hang Cốc Bó ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Tại đây, Người đã đặt tên cho núi Phja Tào là núi Các Mác và con suối Khuổi Mịn là suối Lênin. Trên một chiếc bàn đá, Người đã dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản (Bôn sê vích) Liên Xô để làm tài liệu hoạt động cho cách mạng Việt Nam. Những điều này thể hiện tư tưởng, mục tiêu, đường lối và niềm tin của Người vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại.
Tổ chức Hội nghị Trung ương 8
Sau một thời gian chuẩn bị, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại lán Khuổi Nặm (Pác Bó) từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) để thực hiện việc đại đoàn kết toàn dân tộc chống ngoại xâm và giành lại độc lập dân tộc. Để vận động nhân dân gia nhập Việt Minh, Người đã viết nhiều tác phẩm như: Khuyên đồng bào mua Báo Việt Nam độc lập (1-8-1941), Mười chính sách của Việt Minh (1941), Dân cày (21-8-1941), Phụ nữ (1-9-1941), Công nhân (11-10-1941), Ca đội tự vệ (1-2-1942), Hòn đá (21-4-1942), Lịch sử nước ta (2-1942)...
Xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng
Công tác xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặc biệt coi trọng. Những trung đội Cứu quốc quân lần lượt ra đời: Trung đội Cứu quốc quân I được thành lập vào ngày 14-2-1941, Trung đội Cứu quốc quân II được thành lập vào ngày 19-5-1941, Trung đội Cứu quốc quân III ra đời vào 5-2-1944. Cuối năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn quyết định thành lập Đội tự vệ vũ trang Pác Bó để chuẩn bị cho xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và thúc đẩy cơ sở chính trị phát triển. Người còn tổ chức các lớp tập huấn chính trị, quân sự, biên soạn các tài liệu về đánh du kích, kinh nghiệm du kích Nga, kinh nghiệm du kích Tàu…
Đặc biệt, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã được Người thành lập vào ngày (22-12-1944). Tiếp đó, Việt Nam Giải phóng quân cũng được thành lập vào ngày 15-5-1945 trên cơ sở thống nhất từ các đơn vị Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân cùng các tổ chức vũ trang cách mạng tập trung của cả nước. Đây chính là lực lượng sẽ làm nhiệm vụ đấu tranh vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân.
Xây dựng căn cứ địa cách mạng
Từ năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái quốc chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa dựa trên cơ sở lực lượng chính trị được tổ chức và phát triển. Thực hiện chỉ thị của Người, ngày 4-6-1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập bao gồm hai căn cứ lớn trên địa bàn 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên và một số vùng thuộc ngoại vi tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái. Tân Trào được chọn là thủ đô lâm thời của Khu giải phóng. Với 1 triệu người gồm nhiều dân tộc khác nhau, khu giải phóng đã thực sự là “hình ảnh nước Việt Nam mới”, cùng với hệ thống các chiến khu trong cả nước tạo thành hậu phương và bàn đạp cho thế trận Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945.
Hợp tác với lực lượng Đồng minh chống phát xít
Sau khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9-3-1945), vào ngày 29-3-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh gặp tướng Claire Chennault, Tư lệnh Không đoàn số 14 của Mỹ, cũng là người đại diện cao nhất của Đồng minh ở vùng Hoa Nam thuộc nước Trung Hoa Dân quốc để thỏa thuận sự hợp tác chống phát xít Nhật ở Đông Dương. Theo đó, phía Việt Minh sẽ tăng cường lực lượng du kích và mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng này; cung cấp những thông tin tình báo và khí tượng cho không quân Mỹ hoạt động trên chiến trường chống Nhật ở miền Bắc Đông Dương; cứu các phi công Đồng minh bị nạn ở Đông Dương. Ngược lại, phía quân Đồng minh có trách nhiệm đưa các phái đoàn quân sự sang giúp đỡ Việt Minh huấn luyện quân sự, đồng thời trang bị vũ khí, điện đài và các trang thiết bị khác. Đây là quyết định sáng suốt của Người vì đã tranh thủ được lực lượng Đồng minh trong cuộc đấu tranh chống phát xít của dân tộc ta.
Do đó, chỉ với 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, lật đổ sự áp bức, bóc lột của chế độ thực dân đế quốc và phong kiến.
Nguyễn Văn Toàn
------------------------------------
[1] Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tập 2, tr.99.
Đăng nhận xét