🌷🌷🌷Ký ức ngày giải phóng của người cựu chiến binh
🍀Trong không khí cả nước hướng về kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020), thì những ký ức về một thời hào hùng, những giây phút chiến đấu ác liệt, khoảnh khắc đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết, thời khắc thiêng liêng, tự hào khi nghe thông báo giải phóng Sài Gòn, Bắc – Nam liền một dải … dường như vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của người lính năm ấy. Người mà chúng tôi nhắc đến đó là chú Nguyễn Văn Sướng (sinh năm 1954), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Phường 9, Quận 4.
🍀Chú Nguyễn Văn Sướng sinh ra và lớn lên tại huyện Hưng Hà, Thái Bình trong một gia đình có truyền thống cách mạng với bố và các chú đều tham gia vào công cuộc kháng chiến chống Pháp, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ vẻ vang của dân tộc. Chính vì thế, chưa đầy 18 tuổi người thanh niên trẻ ấy đã tự nguyện viết đơn tình nguyện tòng quân phục vụ Tổ quốc. 2/1972, chú chính thức gia nhập Tiểu đoàn 36, Trung đoàn 60, Sư đoàn 305 Bộ Tư lệnh đặc công. Cuối năm 1973, chú được bổ sung về đơn vị K83 và Đoàn 197, Đội 6 biệt động trực thuộc Quân khu Sài Gòn – Gia Định. Từ đây, chú Sướng chính thức tham gia vào chiến trường miền Nam, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và gắn bó với miền Nam ruột thịt đến tận bây giờ.
🍀Nhiệm vụ mà người lính Nguyễn Văn Sướng đảm nhận là một đặc công. Để có được những cuộc tập kích bất ngờ hay trực diện gây tiêu hao sinh lực địch, chú và các đồng đội phải ở ẩn trong những khu rừng dừa nước ngoại ô Sài Gòn, tránh sự truy quét của kẻ thù. Không nước ngọt, thiếu thốn rất lớn về cơ sở vật chất là những điều họ phải đối mặt mỗi ngày. Khó khăn là thế, nhưng nhờ có sự bao bọc, tin tưởng, che chở của Nhân dân mà chú cùng các đồng đội chưa bao giờ cảm thấy cô độc hay mất niềm tin vào một tương lai chiến thắng. Chú kể: “Ban ngày tuy khó khăn, vất vả trong sinh hoạt nhưng tối đến chú cùng các đồng đội lại được Nhân dân tiếp tế lương thực, nước ngọt, thuốc men. Họ còn báo tin, che chở, chỉ cần được sống trong lòng Nhân dân thì nhiệm vụ khó cỡ nào cũng vượt qua được!”
🍀Trong suốt năm 1974, người chiến sĩ Nguyễn Văn Sướng đã tham gia nhiều cuộc tập kích vào các vị trí trọng yếu vùng ngoại ô Sài Gòn làm tiêu hao rất lớn sinh lực địch. Cũng trong khoảng thời gian này, chú và đồng đội luôn đứng giữa lằn ranh giữa sự sống và cái chết, câu nói “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” luôn luôn hiện hữu trong suy nghĩ của mỗi người chiến sĩ trước mỗi cuộc tập kích. Chú cũng đã bị thương nhiều lần trong các trận chiến năm đó nhưng may mắn nhờ đồng đội, Nhân dân mà chú đã thoát chết. Đồng đội của chú có những người không được may mắn như vậy, phải nằm xuống trong niềm đau vô bờ của chiến hữu, người thân. Khi nhắc đến điều này, mắt người chiến sĩ năm nào đỏ dần, giọng nghẹn lại: “Chú nhớ như in trận đánh đó vào tháng 7/1974. Chú cùng đồng đội đã tấn công vào căn cứ địch tại xã Hưng Long, huyện Bình Chánh nhưng lần tập kích này hai người đồng đội của chú đã không may phải hy sinh. Chú đau đớn như thể mất đi người thân trong gia đình, cái cảm giác ấy vẫn còn đến tận bây giờ. Sau độc lập, chú đã nhiều lần về đây tìm hài cốt hai người đồng đội năm nào nhưng đến nay vẫn chưa tìm được. Đó là điều chú vẫn đau đáu trong lòng”.
Bước vào những tháng ngày chiến đấu đầu năm 1975, lúc này trong mỗi người lính nói chung và chú Nguyễn Văn Sướng nói riêng đều đã cảm nhận được khí thế tiến công thắng lợi của quân ta. Chú đã cùng đồng đội làm nên những cuộc chiến thắng ở cửa ngõ Sài Gòn như những trận đánh tại Tân Sơn Nhì, cầu Nhị Thiên Đường, … đều tại được thế bất ngờ, đánh nhanh thắng nhanh khiến địch trở tay không kịp. Từ đó, tạo bàn đạp cho các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. “Quân giải phóng càng đánh càng hăng, dù ban ngày địch kiểm soát nhưng ban đêm lại là của ta. Ban ngày địch cắm cờ, đêm ta lại nhổ cờ địch, cắm cờ giải phóng, giành giật từng chút một. Đặc biệt, vào đầu năm 1975 thì những trận đánh ngày càng nhiều hơn, quyết liệt hơn”, chú Sướng tự hào kể lại.
🌻Hòa vào không khí đại thắng không thể cản được của quân ta, tất cả các mũi tiến công đều hướng về Sài Gòn. Trưa ngày 30/4/1975 sau khi đánh vào trung tâm Sài Gòn, chú đã cùng các động đội tiến một cánh quân về tiếp quản Kho hồ sơ tại số 1 Ngô Văn Sở, Quận 4, nơi được xem như trung tâm chỉ huy của kẻ địch tại Quận 4. Đây cũng là lúc chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Thời khắc quan trọng nhất của dân tộc cuối cùng cũng đã đến – giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chú kể về thời khắc thiêng liêng đó: “Chú và các đồng đội khi bước vào cuộc chiến thì xác định không sợ chết, không sợ khổ nhưng khi nhìn thấy đồng đội ngã xuống, chúng tôi đau lòng lắm, rồi cũng vẫn phải dặn lòng không được lung lay ý chí. Đến lúc nghe đài thông báo chúng ta giành được chính quyền mà anh em ôm nhau khóc vỡ òa…”
🍀Sau khi tiếp quản Quận 4, chú và đồng đội đã thu giữ toàn bộ những tài liệu, hồ sơ của chính quyền cũ từ đó dễ dàng tiếp quản, xây dựng lại bộ máy chính quyền cho cách mạng. Khoảng thời gian này đối với chú Sướng là vô cùng khó khăn, vì một bộ phận người dân còn hoang mang lo sợ, tàn dư của chế độ cũ vẫn còn và không ngừng trốn tránh, chống phá. Chú cùng các anh em đồng đội đã tích cực vận động, tuyên truyền bằng nhiều cách linh hoạt, sáng tạo từ đó người dân trong quận đã yên tâm, tin tưởng vào Đảng và Nhà nước. Các thành phần của chế độ cũ đã tự nguyện ra đầu hàng, giao nộp vũ khí và không ít người còn góp phần xây dựng cho Quận và Thành phố. Người chiến sĩ Nguyễn Văn Sướng năm nào đã trân quý, mong muốn xây dựng và quyết định tiếp tục gắn bó với miền Nam ruột thịt. Chú đã công tác qua nhiều vị trí tại Quận 4 như Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Phường 16, Phó Chủ tịch UBND Phường 16, Cán bộ tại Phòng Quản lý đô thị Quận 4.
🌻Hiện nay, khi đã về hưu nhưng với phẩm chất của một người lính cụ Hồ, chú Sướng vẫn không ngừng việc đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Với vị trí công tác là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Phường 9, chú không ngừng kêu gọi, tuyên truyền Nhân dân luôn luôn tin tưởng, tuân thủ vào đường lối, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước. Chú Sướng cũng tích cực kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân chung tay giúp đỡ, chăm lo cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, liệt sĩ, các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, … Đặc biệt, nhiệm vụ chú Sướng quan tâm và dành nhiều tâm huyết nhất là công tác giáo dục tư tưởng, nhận thức về lịch sử cho học sinh, sinh viên. Chú thường xuyên đến các trường học vào các giờ sinh hoạt, chào cờ để nói, kể chuyện trực tiếp cho các em học sinh, sinh viên. Qua đó, giúp các em nhận thức được sự hy sinh, cống hiến của biết bao thế hệ cha anh để đổi được một nền độc lập, hòa bình như bây giờ. Từ đó khơi dậy lòng yêu nước, quyết tâm cống hiến, phụng sự cho Tổ quốc của thế hệ trẻ. Chú nói: “Thế hệ của ông cha và của chú đang phải hy sinh, chịu nhiều đau khổ để đổi lấy một nước Việt Nam độc lập, xinh đẹp như bây giờ. Nên chú luôn muốn truyền ngọn lửa yêu Tổ quốc đó đến thế hệ con cháu vì đó là thế hệ sẽ làm chủ vận mệnh đất nước sau này…”
🌻Trải qua cùng nhau biết bao lần vào sinh ra tử, nên đối với chú tình đồng đội, đồng chí anh em luôn là thứ tình cảm quan trọng, cao quý nhất. Chú không khỏi xót xa những người chiến sĩ năm nào nay tuổi đã già vẫn còn phải lo toan cho cuộc sống. Những người lính đặc công tinh nhuệ từng thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” ngày ấy nay có người phải mang thương tật, hậu quả chiến tranh vô cùng đau đớn và có cả những người đồng đội mãi nằm xuống nơi vùng ngoại ô Sài Gòn đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt … Những điều trăn trở, những tình cảm này đã được chú gửi gắm vào một bài thơ trong một lần gặp mặt các cựu binh đã từng kề vai sát cánh chiến đấu năm nào:
“Tháng năm đâu có sinh cùng
Tuổi quân nhập ngũ thì chung một ngày
Vũ Thư, Quỳnh Phụ, Hưng Hà
Đông Hưng đồng lúa mượt mà tốt tươi
Ngày đi tuổi mới đôi mươi
Ngày nay gặp lại đã sáu mươi hơn rồi
Tay bắt chặt bồi hồi xao xuyến
Hỏi chuyện xưa, lay chuyện trung duyên
Thằng về xuất ngũ phục viên
Đứa về chính sách, vết thương chưa lành
Thằng chăn lợn, nuôi gà thế mạnh
Bảo vệ già cứu cánh nuôi thân
Tiếc thương còn mấy bạn thân
Xác xương vùi lấp vùng ven Sài Gòn
Tôi đã đến đã tìm đã hỏi
Nhưng mộ chúng nó đâu rồi ?
Hương hồn các bạn linh thiêng
Sớm hôm báo mộng để tôi đưa về
Mừng ngày gặp mặt ấm lòng
Anh em đồng ngũ đặc công Thái Bình …”
🌻Với những chiến công, đóng góp của chú Nguyễn Văn Sướng, chú đã vinh dự nhận được rất nhiều huân chương, kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen của các cấp như: Huân chương Chiến công Hạng III, Huy chương Chiến sĩ Vẻ vang I,II,III, Kỷ niệm chương Chiến dịch Hồ Chí Minh, Kỷ niệm chương Bộ Tư lệnh Đặc công, … Dành phần lớn cuộc đời cho Tổ quốc nhưng khi nhắc đến những thành tích, chú Sướng chỉ cười và nói: “Đó là trách nhiệm, bổn phận của mỗi người con dành cho Tổ quốc chứ những đóng góp của chú có là gì so với các bậc cha anh, tiền bối, …”. Những lời nói mộc mạc, giản dị như thế đã khắc họa nên một tâm hồn vô cùng cao cả, luôn luôn hướng về Tổ quốc của những người bộ đội cụ Hồ. Có thể nói, người chiến sĩ Nguyễn Văn Sướng nói riêng và hàng vạn vị anh hùng, chiến sĩ khác trên cả nước nói chung đều là những bông hoa tươi đẹp nhất, góp phần tạo nên một mùa xuân 1975 trọn vẹn, thiêng liêng nhất cho dân tộc Việt Nam.
TTVH Q4
Đăng nhận xét