Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế
Vừa qua, sau khi nghe Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (sau đây gọi tắt là Nghị quyết) và ý kiến các cơ quan liên quan, Ban Bí thư kết luận như sau:
1. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết đã đạt kết quả bước đầu quan trọng. Giáo dục mầm non đạt chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi. Giáo dục phổ thông có chuyển biến tốt hơn, được thế giới công nhận. Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và xoá mù chữ được duy trì vững chắc. Quy mô giáo dục nghề nghiệp ngày càng tăng, chất lượng được cải thiện. Quản lý, quản trị đại học có chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng cao; số công trình khoa học được công bố trong nước và quốc tế tăng mạnh. Nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập có bước phát triển khá cả về quy mô và chất lượng. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã thể hiện quyết tâm đổi mới, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới công tác quản lý; đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông.
Tuy nhiên, chất lượng giáo dục ở các bậc học chưa cải thiện đáng kể. Năng lực hội nhập quốc tế của hệ thống giáo dục chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Một bộ phận nhà giáo chất lượng thấp, số ít nhà giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp; cơ cầu đội ngũ nhà giáo có nơi chưa hợp lý, thừa thiếu cục bộ, nhất là thiếu giáo viên mầm non. Công tác quản lý giáo dục còn nhiều bất cập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Một số tiêu cực trong giáo dục chưa được giải quyết tốt gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân.
2. Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết, phát huy kết quả đạt được, khắc phục cơ bản những hạn chế, yếu kém, Ban Bí thư yêu cầu cấp Uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:
2.1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và đồng bộ giữa các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị trong thực hiện Nghị quyết
Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị, cần quyết liệt, kiên trì thực hiện.
Kịp thời, đồng bộ thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển giáo dục và đào tạo; có bước đi thận trọng, chắc chắn trong quá trình tổ chức thực hiện, trước hết xây dựng hướng dẫn thực hiện Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận, tin tưởng của xã hội đối với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trước hết là việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể định kỳ gặp gỡ, đối thoại, nắm bắt tâm tư, tình cảm, định hướng tư tưởng, giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng và chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên. .
2.2. Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lỗi sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân trong hệ thống giáo đục quốc dân
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; trau dồi lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống tốt đẹp, giáo dục tình yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tích cực, lành mạnh, trách nhiệm và làm việc hiệu quả trong học sinh, sinh viên. Đổi mới, nâng cao chất lượng việc giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá các môn lý luận chính trị, giáo dục công dân, giáo dục lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng và văn hóa trong hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng cấp học. Quản lý chặt chẽ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài. Đặc biệt, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa học đường ngày càng tốt đẹp, gắn với tăng cường giáo dục đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Thường xuyên thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên Việt Nam trong việc giáo dục, rèn luyện học sinh, sinh viên.
2.3. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xoá mù chữ và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, xây dựng xã hội học tập
Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, hoàn thiện chính sách phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập phù hợp với xu thế chung của thế giới. Ưu tiên đầu tư phát triển đào tạo một số ngành, nghề quan trọng, nhất là đối với những ngành, nghề có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội, đến hoạch định chính sách phát triển đất nước. Từng bước phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao. Xây dựng các tiêu chí, tập trung đầu tư cho một số trường đại học trọng điểm, nhất là các đại học quốc gia và đại học vùng trở thành những cơ sở giáo dục đại học có uy tín trong khu vực và thế giới.
Củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xoá mù chữ, nhất là phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi. Thực hiện tốt chủ trương giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.
Xác định các tiêu chí và từng bước xây dựng hệ thống giáo dục mở. : Quy hoạch, sắp xếp hệ thống giáo dục gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Sắp xếp hợp lý các cơ sở đào tạo nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng một số trường đại học sư phạm trọng điểm tại các vùng, miền.
Nghiên cứu chuyên đổi mô hình trường trung học phổ thông chuyên, trường dự bị đại học và trường phổ thông dân tộc nội trú phù hợp với điều kiện mới, từng bước bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong giáo dục.
Tuyên truyền, vận động và tổ chức tốt việc học tập suốt đời cho người lớn, phấn đấu mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ, đảng viên trở thành đơn vị học tập, công dân học tập và gia đình học tập. Chú trọng bồi dưỡng kiến thức tin học, ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phù hợp với từng lĩnh vực, ngành, nghề và vùng, miền. Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
2.4. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm các điều kiện cơ bản để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới
Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, bảo đảm đủ giáo viên cho từng cấp học, môn học. Hoàn thiện và thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với giáo viên và sinh viên các trường sư phạm, nhất là về tiền lương nhằm tạo động lực cho giáo viên an tâm công tác, thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm.
Biên soạn và triển khai sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, liên thông, thống nhất giữa các môn học, cập học. Hoàn thiện nội dung và ổn định phương án thị tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia.
Ưu tiên nguồn tài chính cho giáo dục, bảo đảm đủ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ tốt việc triển khai chương trình và sách giáo khoa mới. Tăng cường đầu tư, phát triển nhanh trường, cụm lớp cho cấp học mầm non; bảo đảm đủ trường, lớp cho học sinh học ngày 2 buổi, nhất là ở vùng khó khăn, trước hết tập trung cho giáo dục mầm non, tiểu học. Tăng cường sử dụng phương tiện, phương pháp dạy học hiện đại.
2.5. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động giáo dục, đào tạo
Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, coi trọng quản lý chất lượng, gắn trách nhiệm quản lý chuyên môn với quản lý nhân sự và quản lý tài chính.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, đặc biệt chú trọng công tác quản trị nội bộ, phát huy vai trò; trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ sở giáo dục và đào tạo và các địa phương. Phân định rõ công tác quản lý nhà nước với quản trị các cơ sở giáo dục, đào tạo. Tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục có yếu tô nước ngoài và các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách tài chính nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, Đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng cơ chế thuận lợi, minh bạch để khuyến khích các doanh nghiệp, xã hội và thu hút nguồn lựcvquốc tế đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là phát triển giáo dục và đào tạo chất lượng cao. Đối với giáo dục phổ thông, Nhà nước đầu tư phát triển và từng bước thực hiện miễn học phí cho học sinh ở cấp học phổ cập; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn. Đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí cho mỗi ngành, nghề, trình độ đào tạo; tập trung đầu tư, hỗ trợ cho những lĩnh vực, ngành, nghề đặc thù, quan trọng và cần thiết mà xã hội không đầu tư; những ngành, nghề khác thực hiện chính sách xã hội hóa. Hỗ trợ kinh phí cho những đối tượng chính sách bằng học bổng hoặc cho vay ưu đãi. Phát triển quỹ khởi nghiệp sáng tạo và quỹ khuyến học, khuyến tài hỗ trợ học sinh, sinh viên. Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp và xã hội đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo; thu hút các nguồn lực quốc tế thông qua hợp tác, liên kết đào tạo.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan chức năng và đoàn thể nhân dân đối với hoạt động giáo dục, đào tạo. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành Giáo dục và Đào tạo những giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo không đủ phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ. Ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong việc thi, kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo, bảo đảm đúng thực chất, công bằng.
2.6. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo
Nâng cao hiệu quả đầu tư đối với công tác nghiện cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục, gắn kết chặt chẽ nghiên cứu với đào tạo, phục vụ sản xuất, kinh doanh và hợp tác quốc tế; khai thác có hiệu quả các phòng thí nghiệm trọng điểm. Thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm nghiên cứu xuất sắc ở một số trường đại học. Có chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp thành lập doanh nghiệp công nghệ, hợp tác với doanh nghiệp để sớm chuyển giao công nghệ và kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn. Thúc đẩy, khuyến khích nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo trong học sinh, sinh viên.
3. Tổ chức thực hiện
- Cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết và Kết luận này.
- Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật có liên quan; tăng cường giám sát thực hiện.
- Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai Kết luận của Ban Bí thư.
- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức triển khai; định kỳ báo cáo Ban Bí thư tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết và Kết luận này.
T/M BAN BÍ THƯ | ||
Đã ký Trần Quốc Vượng |
Đăng nhận xét